ICBM có thể giúp Triều Tiên tấn công nhiều mục tiêu trên đất Mỹ, trong khi rất khó bị đánh chặn sau khi phóng.
Tin thế giới đáng chú ý tối 01-08-2017
- Cập nhật : 01/08/2017
Nga – Mỹ trả đũa qua lại, căng thẳng còn hơn thời Chiến tranh Lạnh
Căng thẳng giữa Nga - Mỹ sau các lệnh trừng phạt mới và trục xuất hiện đang ở mức cao độ, thậm chí còn cao hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Đó là lời nhận xét của ông Paul Craig Roberts, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT (Nga). Động thái trừng phạt mới đối với Nga được cho là có lợi cho ngành năng lượng cũng như tổ hợp an ninh – quân sự của Mỹ, đồng thời có ý ám chỉ xung đột với Nga đã trở thành mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại Mỹ.
Trước đó, vào ngày 27/7, Thượng viện, trong một cuộc bỏ phiếu gần như đồng nhất ý kiến với 98 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống, đã thông qua lệnh trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cáo buộc tin tặc Nga tấn công mạng bầu cử Mỹ 2016. Dự luật này được cho là sẽ ngăn chặn Tổng thống Mỹ Donald Trump "nới lỏng” lệnh trừng phạt hiện có sẵn với Nga cũng như nó có đủ số phiếu đa số để “dập tắt” quyền phủ quyết của Tổng thống.
Ngày 28/7, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump sẽ xem xét bản nộp cuối cùng của dự luật và sẽ lên kế hoạch ký thông qua.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Paul Craig Roberts nhận xét dự luật mà Thượng viện thông qua cực kỳ nguy hiểm. Đầu tiên, nó ngăn cản Tổng thống Trump “bình thường hóa” mối quan hệ với Nga. Theo quan điểm hiện giờ của ông, căng thẳng giữa hai bên hiện nay leo thang cao độ, còn cao hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Lý do thứ hai khiến dự luật này cực kỳ nguy hiểm là nó gây sức ép kinh tế lên Nga. Dự luật được tạo ra nhằm thay thế đối tác bán khí đốt thiên nhiên cho châu Âu đang từ Nga chuyển sang Mỹ. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới đồng ruble, làm hại nền kinh tế nước Nga và càng cô lập nước Nga khỏi châu Âu hơn. Đó là sức ép kinh tế có thể dẫn tới chiến tranh.
Theo ông Paul, Quốc hội Mỹ sẽ nhận được những đóng góp về mặt chính trị từ ngành năng lượng Mỹ cũng như từ phía tổ hợp an ninh – quân sự vì dự luật này chủ yếu được tạo ra nhằm phục vụ cho lợi ích của hai ngành trên. Tổ hợp an ninh – quân sự được lợi vì ngăn cản được tiến trình bình thường hóa quan hệ, trong khi các công ty năng lượng lại có thị trường mới để xuất khẩu khí thiên nhiên, khí thiên nhiên hóa lỏng.
Phản ứng trước các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Nga đã trả đũa bằng cách quyết định trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi nước.
Khi được hỏi rằng ban lãnh đạo Nga nên nhìn nhận những lệnh trừng phạt của Mỹ như thế nào, ông Paul khuyến cáo Nga cuối cùng phải dừng ngay ảo tưởng sẽ hòa giải được với Mỹ: “Tôi đã làm rõ vấn đề này từ lâu. Cách duy nhất mà Moskva có thể đạt được thỏa thuận với Washington là đầu hàng và chấp nhận sự thống trị của Mỹ”.
Cựu Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ này cho rằng đây sẽ là lời cảnh tỉnh đối với Nga, khi Quốc hội Mỹ rõ ràng đã đặt xung đột với Nga trở thành mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Đối với Tổng thống Mỹ, dường như ông không còn cơ hội bình thường hóa mối quan hệ với Nga. Nếu như ông Trump không ký dự luật, truyền thông sẽ viện cớ này làm bằng chứng ông ưu tiên Nga và điều đó có thể dẫn đến tình huống ông bị luận tội. (TTXVN)
------------------------------------
Lực lượng 'cận vệ vô hình' bảo vệ tàu chiến, căn cứ hải quân Nga
Hải quân Nga có lực lượng người nhái đặc nhiệm chuyên bảo vệ căn cứ ven biển và tàu chiến khỏi hoạt động phá hoại của đối phương.
Đặc nhiệm chống phá hoại dưới nước (OSNB PDSS) của Nga, còn gọi là người nhái chiến đấu, là lực lượng tinh nhuệ được huấn luyện đặc biệt, có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ và tàu hải quân khỏi các cuộc tấn công của người nhái đối phương. Sự bí mật cũng như môi trường tác chiến ít người thấy khiến lực lượng người nhái này được mệnh danh là "cận vệ vô hình" của hải quân Nga, theo Sputnik.
Khác với đặc nhiệm hải quân, vốn được huấn luyện để hoạt động trong hậu phương địch, OSNB PDSS chỉ hoạt động trong khu vực căn cứ của Nga, nhằm tìm kiếm và vô hiệu hóa các thợ lặn đối phương. Cơ cấu biên chế lực lượng này là một trong những bí mật quân sự được giấu kín nhất của hải quân Nga.
Một cựu sĩ quan OSNB PDSS cho biết phần khó nhất của công việc là triển khai lực lượng từ tàu ngầm. Mỗi ống phóng ngư lôi trên tàu ngầm có thể chứa ba người nhái với đầy đủ trang bị. Sau khi họ chui vào ống, cửa trong tàu ngầm sẽ được khóa lại, sau đó cửa trước mở ra để nước biển tràn vào. Đây là quy trình không hề dễ dàng, nhất là về mặt tâm lý, cựu sĩ quan này cho biết.
OSNB PDSS cũng thực hiện nhiều hoạt động thường nhật, bao gồm dò tìm thủy lôi. Họ làm việc theo ca, lịch trình phụ thuộc vào tình hình xung quanh căn cứ. Có những nhiệm vụ kéo dài tới nhiều tuần.
Lực lượng người nhái chống phá hoại được triển khai tới mọi căn cứ hải quân Nga, bao gồm cả những cơ sở ở nước ngoài như cảng Tartus, Syria. Một đơn vị thường gồm chỉ huy, một thợ lặn kiêm sĩ quan huấn luyện cấp cao, người nhái trinh sát, chuyên gia bom mìn và người vận hành thông tin vô tuyến.Để trở thành người nhái chiến đấu, binh sĩ phải trải qua các khóa huấn luyện thường xuyên ở căn cứ Hạm đội Biển Bắc tại Gadzhiyevo. Nhiều đợt diễn tập cũng được tổ chức bởi Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Baltic, Hạm đội Biển Đen và Hải đội Caspi. Các thợ lặn chiến đấu cũng có thể tham gia các chiến dịch tuần tra hàng hải và chống khủng bố.
Để gia nhập OSNB PDSS, ứng viên phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu thể chất và thần kinh. Những người sợ bóng tối hoặc không gian hẹp sẽ bị loại ngay lập tức. Sau các thủ tục tuyển chọn nghiêm ngặt, ứng viên còn phải vượt qua nhiều vòng huấn luyện bao gồm lặn, định vị, huấn luyện nhảy dù. Binh sĩ OSNB PDSS phải thuần thục kỹ năng cận chiến tay không, sử dụng dao và bắn súng.
Lực lượng này được trang bị nhiều vũ khí cá nhân đặc biệt, gồm súng trường lưỡng cư ADS và APS, súng ngắn SPP-1M và súng phóng lựu chống phá hoại D-65. Đây đều là các vũ khí được thiết kế đặc biệt để có thể sử dụng dưới nước và cả trên cạn.
Đối với nhiệm vụ tuần tra, OSNB PDSS sử dụng xuồng chống phá hoại Đề án 21980 "Grachonok" hiện đại. Thông thường lực lượng này chỉ tuần tra gần căn cứ, nhưng nếu cần vẫn có thể triển khai bằng máy bay tới khu vực được chỉ định.(Vnexpress)
---------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ bắt hơn 1.000 nghi phạm khủng bố
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một lượng lớn nghi phạm trong các cuộc trấn áp chống khủng bố tuần qua.
Có 1.098 người bị bắt do nghi liên quan đến các tổ chức phiến quân hoặc âm mưu đảo chính bất thành năm ngoái, Reuters hôm nay dẫn tin từ Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Trong số này, có hơn 830 người bị nghi có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc tổ chức cuộc đảo chính giữa tháng 7/2016. Hơn 210 người khác bị nghi liên lạc với đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu coi là khủng bố.
Số còn lại bị bắt do nghi là thành viên Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức khủng bố khác.
Cuộc đảo chính diễn ra đêm 15/7/2016 khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang đi nghỉ cùng gia đình ở miền nam nước này. Quốc hội và khu vực quanh dinh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều bị ném bom. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã trấn áp đảo chính thành công vào ngày hôm sau.
Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 50.000 người và sa thải, đình chỉ hơn 150.000 người trong quân đội, công chức và khu vực tư, trong chiến dịch trấn áp. Trong khi đó, giáo sĩ Gulen, người đang sống ở Mỹ, bác bỏ liên quan đến âm mưu chống chính quyền.
Vào ngày kỷ niệm một năm trấn áp đảo chính vừa qua, ông Erdogan đe dọa sẽ "chặt đầu những kẻ phản bội".(Vnexpress)