rss - tinkinhte.com

Tin nhanh 19-9-2012

  • Cập nhật : 19/09/2012



Biểu tình chống Nhật hạ nhiệt ở Trung Quốc

Những cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác trên khắp Trung Quốc giảm dần, khi giới chức nước này có vẻ đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.

Không có đám đông nào tụ tập bên ngoài đại sứ quán Nhật ở thủ đô Bắc Kinh, nơi từng có những cuộc biểu tình lớn những ngày qua, AFP đưa tin. Cảnh sát Trung Quốc yêu cầu công dân nước này không tới gần đại sứ quán Nhật. Cảnh sát vũ trang vẫn chốt ở bên ngoài tòa nhà đại sứ quán để ngăn chặn bất cứ sự tụ tập nào, nhưng những con đường quanh đó đã được mở trở lại.

Ngoài một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ ở bên ngoài lãnh sự quán Nhật tại thành phố Thượng Hải, không có thông tin nào về các cuộc phản đối khác ở Trung Quốc.

Những cuộc biểu tình có cả màu sắc bạo lực trong những ngày qua khiến dư luận quốc tế quan tâm và lo ngại xung đột có thể xảy ra giữa hai trong số ba nền kinh tế hàng đầu thế giới. Một số công ty Nhật đã ngừng hoạt động hoặc hạn chế sản xuất ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong một thông báo được đăng tải trực tuyến, đại sứ quán Nhật ở Trung Quốc cho biết cảnh sát Bắc Kinh đã gửi đi những tin nhắn di động để nói với các công dân nước này rằng, "không nên tiến hành biểu tình ở đại sứ quán (Nhật) nữa, và cũng nên hợp tác với cơ quan hữu quan để duy trì giao thông cũng như trật tự xã hội". Theo AFP, Sở Công an Bắc Kinh không bình luận về thông tin này.

Các lực lượng cảnh sát trên khắp Trung Quốc đăng những thông điệp trên các trang Weibo, mạng xã hội nổi tiếng ở nước này, cho hay bất cứ ai phạm các tội hình sự trong những cuộc biểu tình đều sẽ bị bắt giữ. Tuy nhiên, cảnh sát Trung Quốc không nói cụ thể rằng những cuộc biểu tình bị cấm. ( VNN)
---------------

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hợp tác chống khủng bố

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Tayyip Erdogan cam kết tiếp tục hợp tác hướng tới quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria.

    Ngày 18/9, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận những nỗ lực chung cần thiết nhằm chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau khi xảy ra vụ  7 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng cùng 63 người khác bị thương khi đoàn xe chở họ bị trúng tên lửa tại tỉnh Bingo.

Vụ tấn công được cho là do các tay thuộc Đảng công nhân người Kurd thực hiện. Mới đây nhất, Đại sứ Mỹ tại Libya và 4 nhân viên ngoại giao khác của nước này bị thiệt mạng trong một vụ tấn công vào lãnh sự quán Bengazi của Libya trong khi làn sóng chống Mỹ tiếp tục bùng phát và lan rộng tại nhiều quốc gia Hồi giáo trên thế giới.

Liên quan đến tình hình Syria, Tổng thống Obama và Thủ tướng Erdogan bày tỏ lo ngại bạo lực và khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng tại quốc gia Trung đông này.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria./.

Mai Liên/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
-----------------------

Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan phải đóng cửa tạm thời

Sau khi bộ phim "Sự vô tội của người Hồi giáo" tràn lan trên mạng, làn sóng phản đối và phẫn nộ đã tăng lên nhanh chóng trong lòng những người Hồi giáo. Hàng nghìn giáo dân đã đổ xuống đường biểu tình và tấn công vào các Đại sứ quán của Mỹ tại nhiều nước.

Thậm chí, các cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài từ Mauritania đến Indonesia cũng trở thành mục tiêu tấn công của đoàn người biểu tình.


Ngày 18/9, Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan đã thông báo đóng cửa từ buổi trưa bởi các quan chức trong Đại sứ quán đã được thông báo người Hồi giáo sẽ có cuộc biểu tình phản đối trong ngày. Ngay từ đầu giờ chiều, hàng trăm người đã đổ về Cơ quan đại diện của Mỹ tại Bangkok. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho các công dân Mỹ, Cơ quan đại diện đã đề nghị tất cả những người Mỹ sinh sống tại Bangkok tránh xa các khu vực đông người.

Hơn 700 cảnh sát đã được huy động đến Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok và Lãnh sự quán Mỹ ở Chiang Mai nhằm bảo vệ các nhân viên tại đây. Trước đó, ngày 11/9, một cuộc tấn công bất ngờ của người Hồi Giáo vào Đại sứ quán Mỹ tại thành phố Benghazi (Lybia) đã khiến Đại sứ Mỹ Christopher Stevens cùng ba quan chức khác bị thiệt mạng.

Cùng ngày, một nhóm người biểu tình cũng đã tấn công Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo (Ai Cập), xé cờ Mỹ và thay bằng lá cờ của người Hồi giáo. Sau đó, nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ đã xảy ra tại hơn 20 nước khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán, ông Braunohler Walter cho biết, thông tin về cuộc biểu tình được cảnh sát Thái Lan thông báo cho Đại sứ quán từ sớm. Ông Walter còn nói thêm, mặc dù cuộc biểu tình không hề đe dọa tính mạng của người Mỹ nhưng công dân Mỹ tại Thái Lan vẫn nên cẩn thận và đề phòng.

Thông báo cảnh sát gửi Đại sứ quán cho biết, cuộc biểu tình của người Hồi giáo sẽ bắt đầu từ công viên Lumpini kéo đến Đại sứ quán. Do lượng người biểu tình quá lớn nên giao thông trên đoạn đường nối hai khu vực này sẽ bị gián đoạn tạm thời".

Ông Walter cho biết: "Ngay cả các cuộc biểu tình dự định mang tính hòa bình cũng có thể chuyển thành bạo lực. Tất cả những cư dân Mỹ nên tránh xa các khu vực là mục tiêu của các cuộc biểu tình, thậm chí cả các khu vực đông người tập trung. Tất cả mọi người nên thường xuyên theo dõi các phương tiện truyền thông địa phương để cập nhật thông tin mới nhất về các cuộc biểu tình.

Dự đoán trong những ngày tới, các cuộc bạo loạn kích động vì bộ phim "Sự vô tội của người Hồi giáo" sẽ được kiểm soát nhưng để dập tắt hoàn toàn các cuộc biểu tình là điều khó khăn với lực lượng an ninh các nước.

An Mai (Theo Bangkok/AsiaNews/GlobalNews, NĐT)
----------------------

Hồng Lỗi: Trung Quốc không xúi dân biểu tình chống Nhật Bản

Hồng Lỗi cũng lớn tiếng yêu cầu: “Nhật Bản cần phải tôn trọng lập trường nghiêm túc của Trung Quốc, tôn trọng tiếng nói chính nghĩa của người dân Trung Quốc, không được một mình một kiểu, mê muội sai lầm”.

Giới truyền thông Trung Quốc hôm nay 19/9 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay, chính phủ Trung Quốc không xúi giục hay ủng hộ người dân nước này biểu tình chống Nhật Bản.

Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Hồng Lỗi khẳng định, tất cả hoạt động biểu tình chống Nhật Bản đã và đang diễn ra trên nhiều địa phương tại Trung Quốc hoàn toàn là hành vi tự phát. Đồng thời ông Hồng Lỗi cũng lớn tiếng yêu cầu: “Nhật Bản cần phải tôn trọng lập trường nghiêm túc của Trung Quốc, tôn trọng tiếng nói chính nghĩa của người dân Trung Quốc, không được một mình một kiểu, mê muội sai lầm”.

Những phát biểu này được Hồng Lỗi đưa ra trong cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua 18/9. Một lần nữa ông Lỗi khẳng định rằng, nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình chống Nhật Bản nổ ra tại Trung Quốc là do Nội các Nhật Bản quyết định mua đảo “sai lầm và phi pháp” gây ra.

Hiện tại, nhiều cửa hàng và doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn tại Trung Quốc, thậm chí là doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh đồ Nhật Bản đều phải tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn do lo ngại bị người biểu tình quá khích tấn công.

Hồng Thủy (Nguồn Tân Kinh báo, GDVN)
--------------------

Nhà máy điện hạt nhân của Iran bị “phá hoại”

Iran vừa lên tiếng tố cáo âm mưu phá hoại một nhà máy điện hạt nhân của nước này.

Nhà máy điện hạt nhân Fordo của Iran vừa bị một vụ tấn công làm mất nguồn điện

Ông Fereydun Abbasi-Davani, người đứng đầu cơ quan nguyên tử Iran, nói đường giây dẫn điện tới nhà máy nguyên tử của nước này tại Fordo đã bị cắt đứt vì một vụ nổ xảy ra hồi tháng trước.

Ông nói việc cắt điện, diễn ra một ngày trước khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), yêu cầu được thăm viếng nhà máy. Theo ông Fereydun, có thể vụ cắt điện này là âm mưu phá hoại các máy ly tâm trong nhà máy.

Trong một hành động công kích khác thường nhắm vào IAEA, ông nói có thể cơ quan này đã bị “bọn khủng bố và phá hoại xâm nhập và bọn này có thể đã thực hiện âm mưu một cách bí mật”.

Theo ông Fereydun, trước đó những kẻ phá hoại đã hành động y như vậy đối với đường giây cung cấp điện cho nhà máy nguyên tử chính của Iran nằm gần thị trấn Natanz.

Nhà máy này dùng các máy ly tâm để tinh chế uranium để sử dụng trong các nhà máy điện nguyên tử hay các vũ khí nguyên tử. Ông cho hay hệ thống điện dự phòng đã hoạt động và tránh cho nhà máy Fordo bị hư hại.

Lời cáo buộc này trùng hợp với sự kiện Israel cảnh báo về việc cần phải dùng vũ lực phá hủy các chương trình nguyên tử của Iran. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, hôm 16/9 cảnh cáo rằng, chỉ trong vòng sáu hoặc bảy tháng nữa là Iran sẽ có khả năng chế tạo một quả bom nguyên tử. Thông tin này của ông được đưa ra để thúc giục thêm Tổng thống Barack Obama vạch một “lằn ranh đỏ” rõ ràng đối với Tehran. IAEA cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Iran không đình hoãn chương trình làm giàu uranium.

Nh.Thạch (Theo AFP, Petrotimes)
----------------------------------

Nhật điều tàu, máy bay chặn tàu Trung Quốc

 Lực lượng tuần duyên Nhật đã cử 6 tàu tuần tra và 3 trực thăng đến xua đuổi các tàu hải giám đang tuần tiễu ở gần quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku).
Hôm 18/9, 12 tàu công vụ Trung Quốc gồm tàu ngư chính và tàu hải giám tuần tiễu trong vùng nước quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Lực lượng tuần duyên Nhật đã phái 6 tàu tuần tra lần lượt mang số hiệu PL05, PL09, PL10, PL63, PL65, PL68 cùng máy bay JA002A, trực thăng JA9929, máy bay chống ngầm P-3C 5034 tới chặn đội tàu hải giám Trung Quốc đang di chuyển ở đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Trước đó, hơn 2.000 tàu cá từ tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Trung Quốc đã ra khơi sau khi lệnh cấm đánh cá mùa hè trên Biển Hoa Đông kết thúc. Một nguồn tin Trung Quốc nói, hơn 1.000 tàu cá nước này sẽ đến đảo Điếu Ngư/Senkaku vào ngày 18/9.

Hoàn Cầu Thời Báo hôm 19/9 đưa tin, 60 tàu cá Đài Loan, 2 tàu bảo vệ và 2 tàu siêu tốc dự kiến sẽ nhập đội tàu cá Đại Lục ngày 22/9 tới.
Theo VTC
---------------------------

2 người Nhật bị tấn công ở Hồng Kông

 Cảnh sát Hồng Kông hôm nay 19/9 bắt giữ một người đàn ông tấn công một cặp đôi người Nhật giữa lúc căng thẳng Nhật-Trung leo thang vì quần đảo tranh chấp. Ngay lập tức Tokyo cảnh báo 22.000 người dân nước này ở Hồng K ông không ra ngoài vào ban đêm.

Vụ việc xảy ra vào đêm qua 18/9 khi cặp đôi đang đi dạo ở một đài phu nước đông người. Vụ việc diễn ra vào thời điểm hàng chục ngàn người biểu tình phản đối Nhật biểu dương lực lượng khắp Trung Quốc trong những ngày gần đây, do Trung-Nhật tranh chấp quần đảo Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Hoa Đông.

Theo người phát ngôn cảnh sát, cặp đôi, 37 và 35 tuổi, đã bị một người đàn ông đấm túi bụi. Người này sau khi bị bắt đã nộp tiền tại ngoại.

“Người đàn ông đã tấn công cặp đôi và bỏ trốn khỏi hiện trường”, người phát ngôn cho hay.

 “Cuối ngày thứ ba 18/9, cảnh sát đã bắt giữ người đàn ông Hồng Kông 31 tuổi và đã thẩm vấn anh ta vì vụ tấn công gây tổn thương khá nặng cho những người bị tấn công”, người phát ngôn cho biết. Người đàn ông này sẽ bị triệu tập tới đồn cảnh sát sau đó vào tháng này.

“Chúng tôi yêu cầu giới chức Hồng Kông đảm bảo an toàn cho công của chúng tôi ở Hồng Kông”, Miyuki Matsumoto,, người phụ trách quan hệ công chúng của lãnh sự quán cho biết.

Theo báo chí địa phương người đàn ông đã hỏi cặp đôi có phải người Nhật hay không trước khi tấn công họ.

Đây là trường hợp bạo lực đầu tiên được thông tin ở thành phố bán tự trị này, sau các cuộc biểu tình rộng khắp trung Quốc những ngày gần đây.

Các nhà hoạt động Hồng K ông cũng tiến hành các cuộc biểu tình chống Nhật song phần lớn diễn ra hòa bình.

Vũ Quý // Dân Trí
-------------------------------

Tàu Trung Quốc bắt đầu đánh bắt quanh Senkaku

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 19-9, hiện có khoảng 100 tàu cá nước này đang đánh bắt xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới sự hộ tống của 12 tàu công vụ.
Đài NHK (Nhật Bản )và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tối 18-9 đưa tin đã có 100 tàu cá Trung Quốc chạy theo 12 tàu công vụ ra biển Hoa Đông và bắt đầu đánh bắt xung quanh khu vực nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư vào sáng 19-9.
 
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của tàu công vụ, tàu cá Trung Quốc để ngăn chặn kịp thời các hoạt động đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư. Các tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc đang lăm le tiến vào phạm vi 12 hải lý xung quanh nhóm đảo Senkaku.
 
Trong khi đó, trên đất liền, biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu lắng dịu và các vụ đụng độ xảy ra giữa cảnh sát Trung Quốc với người biểu tình tiếp tục căng thẳng.
 
Ở nhiều nơi, một số người biểu tình quá khích không làm chủ được bản thân lao vào đập phá bất cứ thứ gì có liên quan đến Nhật Bản trên đường. Ngay cả chiếc xe cảnh sát cũng bị đám đông biểu tình lao vào đập phá và lật ngửa bụng nếu mang thương hiệu Nhật Bản.

H.Bình (Theo Sina)
-----------------------------

Nhật thành lập cơ quan giám sát an toàn hạt nhân

Ngày 18/9, Nhật Bản đã thành lập Cục Quy định Hạt nhân, một cơ quan độc lập có chức năng giám sát an toàn tại các nhà máy điện nguyên tử.

Sự việc này đánh dấu một sự khởi đầu mới trong điều chỉnh các vấn đề liên quan tới hạt nhân tại Nhật Bản sau thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Fukushima Daiichi).

Cơ quan trên sẽ đóng vai trò chủ chốt trong tăng cường thực thi các qui định nghiêm ngặt mà chính phủ Nhật Bản đã ban hành đối với việc vận hành các cơ sở hạt nhân, như qui định các lò phản ứng hạt nhân chỉ được giới hạn hoạt động trong 40 năm và phải ứng dụng các phát hiện khoa học mới nhất tại các cơ sở đang hoạt động.

Bên cạnh đó, cơ quan này còn có nhiệm vụ lập ra các tiêu chuẩn cho việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản, hiện đã phải ngừng hoạt động do lo ngại về sự an toàn sau sự cố tại nhà máy Fukushima số 1. Trong số 50 lò phản ứng hạt nhân thương mại ở Nhật Bản, hiện chỉ có 2 lò được phép hoạt động lại.

Nhà vật lý phóng xạ Shunichi Tanaka được Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda bổ nhiệm làm người đứng đầu Cục Quy định Hạt nhân. Cơ quan này, còn có 4 người khác trong ban lãnh đạo với một ban thư ký gồm 500 nhân viên, sẽ làm việc độc lập với Cục An toàn Hạt nhân và Công nghiệp (NISA).

NISA trực thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và bị chỉ trích là không khách quan trong khi đưa ra các quyết định liên quan tới các lò phản ứng hạt nhân thương mại trong bối cảnh dư luận người dân phản đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, trong khi METI lại chủ trương tiếp tục khôi phục và phát triển điện hạt nhân.

Gần đây, tại một điểm ở Thái Bình Dương, cách bờ biển tỉnh Fukushima khoảng 3.200 km về phía Đông, một nhóm khảo sát nước biển Nhật Bản đã thu thập được các vật liệu phóng xạ thất thoát từ Nhà máy Fukushima sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng Ba năm ngoái.

Các nhà nghiên cứu dự định sẽ đưa trình các mẫu vật phóng xạ này tại một hội nghị do Hội Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản tổ chức tại thành phố Higashihiroshima, thuộc tỉnh Hiroshima vào ngày 19/9.

Theo các nhà nghiên cứu, các vật liệu phóng xạ thất thoát từ nhà máy trên, vào khoảng đầu năm nay đã chìm xuống dưới mặt biển, nhưng sau đó đã bị các dòng hải lưu ở sâu dưới biển đẩy trôi về phía Nam của tỉnh Fukushima.

Từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 6 năm nay, nhóm trên đã tiến hành lấy mẫu nước biển tại 300 điểm ở vùng phía Bắc Thái Bình Dương.

Vào tháng 12 năm ngoái, họ xác nhận nồng độ phóng xạ là 10 becquerel (Bq) trong 1 tấn nước biển tại vùng biển cách phía Đông tỉnh Fukushima khoảng 2.500 km, cao gấp 5-10 lần thời điểm trước khi xảy ra thảm họa (11/3/2011)./.

(TTXVN)
----------------------------------------

Người biểu tình Trung Quốc tấn công xe Đại sứ Mỹ

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hôm qua (18/9), khoảng 50 người biểu tình ở Bắc Kinh đã bao vây và tấn công xe của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, khiến cho chiếc xe này bị hư hỏng nhẹ.

Tin từ Hãng tin AP cho biết, may mắn là đại sứ Gary Locke không bị thương, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại và thông tin về vụ việc này với Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Những người này nằm trong số hàng ngàn người Trung Quốc tham gia biểu tình chống Nhật hôm 18/9.
Người biểu tình Trung Quốc tấn công xe Đại sứ Mỹ

Trong nhiều ngày qua, các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp Trung Quốc nhằm phản đối quyết định mua một số hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc của Nhật Bản. Mỹ, đồng minh thân cận của Nhật Bản cũng đã trở thành mục tiêu tức giận của những người Trung Quốc.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao Mỹ đang phải đề cao cảnh giác đối với những tấn công bao lực tại Libya, Yemen và Ai Cập. Các quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc bảo đảm an toàn cho nhân viên và các cơ sở vật chất của Mỹ.

Phạm Khánh// InfoNet
----------------------

  Philippines tổ chức diễn đàn hàng hải ASEAN

Giữa lúc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông trở nên căng thẳng, Philippines sẽ tổ chức một diễn đàn hàng hải khu vực với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và các thành viên ASEAN.

Diễn đàn Hàng hải ASEAN lần thứ ba và Diễn đàn Hàng hải mở rộng lần đầu tiên diễn ra tại Manila từ 3-5/10.

Sự kiện này là một phần trong mục tiêu của ASEAN về cam kết chính trị và an ninh với các đối tác đối thoại của khối. Theo Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính sách Philippines Erlinda Basilio, đây là lần đầu tiên, vấn đề hàng hải sẽ được thảo luận giữa 18 thành viên của hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) gồm: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Australia và 10 thành viên ASEAN. 4 trong số các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là: Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines.

"Philippines tin rằng, các quốc gia trong khu vực đối mặt với những thách thức chung đòi hỏi các tiếp cận hợp tác”, Thứ trưởng Basilio nói.

Bà nhấn mạnh, kể từ khi các nước Đông Á đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thì khu vực cần có “các vùng biển an toàn, an ninh, môi trường lành mạnh và kết nối để hỗ trợ cho tăng trưởng, hội nhập kinh tế cũng như sự ổn định dài hạn”.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, các đại biểu sẽ bàn luận những vấn đề đưa ra từ hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 6, nơi các nhà lãnh đạo EAS đã công nhận tầm quan trọng của thúc đẩy hợp tác hàng hải, bao gồm chống cướp biển, tìm kiếm trên biển, môi trường hàng hải, an ninh hàng hải, kết nối hàng hải, tự do hàng hải và nghề cá.

Liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển, một quan chức phủ tổng thống Philippines đã khẳng định, Manila đang theo dõi chặt chẽ động thái của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông. Philippines cũng đã có cuộc tranh chấp tương tự với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thái An (Theo gmanetwork, VNN)
-------------------------

Philippines trục xuất gần 400 người Trung Quốc

Theo đài Tiếng nói nước Nga ngày 18/9, chính quyền Philippines (Philíppin) sẽ trục xuất khoảng 400 người nhập cư bất hợp pháp từ lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc đại lục liên quan đến những vụ lừa đảo qua điện thoại và Internet.

Theo đó, 288 công dân Đài Loan sẽ bị trục xuất vào ngày 19/9, còn hai người vẫn bị giam giữ do bị buộc tội tấn công. 86 công dân Trung Quốc đại lục và 1 công dân New Zealand cũng sẽ được gửi trả sau đó.

Đại diện Cục Di Trú Antonetti Mangobang thông báo rằng những kẻ lửa đảo này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự sau khi bị trục xuất.

Hôm 17/9, Văn phòng đại diện Đài Loan tại Manila đã kêu gọi phía Philippines cho các công dân của họ trở về do điều kiện giam giữ tồi. Ít nhất có một phạm nhân Đài Loan đã chết và hàng chục người bị ốm trong nhà tù.

TTXVN/Tin tức
--------------------

Binh sĩ Ấn Độ và Pakistan nổ súng tại Kashmir

Giới chức Ấn Độ ngày 18/9 cho biết quân đội nước này và Pakistan đã giao tranh tại Ranh giới Kiểm soát (LoC) tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.

Tin cho hay hành động vi phạm lệnh ngừng bắn giữa hai bên này xảy ra đêm 17/9 dọc LoC thuộc khu vực Krishna Ghati của huyện sát biên Poonch, cách Srinagar - thủ phủ mùa Hè của Vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát - khoảng 180 km về phía tây nam.

Người phát ngôn của quân đội Ấn Độ tại Jammu, ông S N Acharaya, nói: "Lính Pakistan đã sử dụng vũ khí hạng nhẹ bắn vào các vị trí của chúng tôi trong đêm qua và vụ việc kéo dài hơn 1 giờ".

Ông Acharaya cho biết thêm binh sĩ Ấn Độ cũng đã bắn trả, song hiện chưa có báo cáo về thương vong hay thiệt hại trong cuộc giao tranh này.

TTXVN/Tin tức
------------------------------

Quan hệ Trung - Nhật:  Biển Hoa Đông dậy sóng

Như giọt nước làm tràn ly, căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh chủ quyền quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) khiến Biển Hoa Đông lại "nổi sóng" sau những cuộc "khẩu chiến" ngoại giao.

Tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cuối tuần qua rằng sẽ đưa vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku ra Đại hội đồng Liên hợp quốc trong phiên họp cuối tháng này cho thấy, việc giải quyết chủ quyền lãnh hải giữa hai cường quốc khu vực trên cơ sở đối thoại song phương xem ra ngày càng khó.
 
Cùng với quyết định tung ra khoảng 2,05 tỷ yên (tương đương 26 triệu USD) để quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku, tuyên bố của Thủ tướng Y.Noda đã làm dấy lên làn sóng biểu tình đường phố khắp nơi ở Trung Quốc suốt mấy ngày qua. Căng thẳng dường như đã vượt quá giới hạn khi những cuộc biểu tình - có quy mô và địa điểm lớn nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1972 đến nay - đã nhuốm màu bạo lực. Không chỉ đe dọa an ninh của các công dân và hoạt động của công ty Nhật Bản, hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực đường phố những ngày qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của Nhật Bản khi những người biểu tình quá khích đốt phá những tài sản do Nhật Bản sản xuất, kích động một làn sóng "bài Nhật" mới ở Trung Quốc.

Không ngoài dự đoán của giới phân tích, căng thẳng giữa hai đầu tàu kinh tế thế giới xung quanh chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã tác động trực tiếp đến hợp tác kinh tế của hai nước. Như một giải pháp tình thế để khẳng định chủ quyền quần đảo tranh chấp, Trung Quốc đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế Nhật Bản, trong khi nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động các nhà máy và cơ sở kinh doanh tại Trung Quốc để bảo đảm an ninh trước làn sóng biểu tình. Cuộc "đối đầu" Nhật - Trung đã không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu của các công ty Nhật Bản niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, mà còn tác động đến việc học của các học sinh khi nhiều trường học Nhật Bản tại các thành phố lớn của Trung Quốc phải tạm nghỉ học, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng sẽ bảo vệ các công ty và công dân Nhật Bản khi kêu gọi những người biểu tình tuân thủ luật pháp. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu làn sóng bài Nhật nhuốm màu bạo lực tiếp diễn và không được kiểm soát, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chuyển hướng đầu tư sang nước khác. Khi đó không chỉ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này bị ảnh hưởng, mà thương mại song phương Trung - Nhật cũng sẽ bị tác động mạnh. Bởi, chỉ riêng năm 2011 Nhật Bản đã đầu tư số tiền lên đến 342,9 tỉ USD vào Trung Quốc.

Giữa lúc quan hệ Trung - Nhật chưa có dấu hiệu bớt "nóng", sự kiện Mỹ và Nhật Bản vừa đạt được thỏa thuận triển khai hệ thống rađa phòng thủ tên lửa X-band thứ hai trên lãnh thổ đất nước Mặt trời mọc đã khiến Trung Quốc quan tâm. Dù khẳng định hệ thống này chỉ nhằm giúp Nhật Bản tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, nhưng với hệ thống phòng thủ lãnh hải và không phận mới, Tokyo đã khiến Bắc Kinh thêm nghi ngờ Mỹ về sự kiềm chế quân sự đang phát triển của Trung Quốc trong khu vực. Quan ngại này xem ra có cơ sở bởi ngoài giúp nhanh chóng phát hiện tên lửa đạn đạo, hệ thống rađa phòng thủ mới đi vào hoạt động sẽ giúp quân đội Mỹ và đồng minh có thể kiểm soát toàn diện hoạt động tàu bè trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang có những tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước tại đây.

Quan hệ Trung - Nhật "nổi sóng" sau một loạt động thái gây căng thẳng của cả hai bên trong những ngày qua, đặc biệt sau khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thao diễn bắn đạn thật trên Biển Hoa Đông. Thông tin mới nhất về khả năng khoảng 1.000 tàu cá Trung Quốc sẽ có mặt ở các vùng biển tranh chấp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - như một biện pháp đáp lại của Trung Quốc trước quyết định quốc hữu hóa ba hòn đảo trên của Nhật Bản - dự báo biển Hoa Đông sẽ tiếp tục dậy sóng.

Đình Hiệp // HNM
------------------

Tổng thống Putin khiển trách chính phủ Medvedev

Phát biểu tại hội nghị về chiến lược ngân sách giai đoạn 2013-2015 vào chiều 18/9 ở Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có lần hiếm hoi khiển trách chính phủ của Thủ tướng Dmitry Medvedev, trong đó chỉ trích các kế hoạch tài chính của chính phủ và việc các bộ trưởng nội các đã không thực thi những sắc lệnh do tổng thống ban hành sau khi ông quay lại Điện Kremlin hồi tháng Năm vừa qua.

Putin cho biết ông đã đề nghị Thủ tướng Medvedev cảnh cáo Bộ trưởng Phát triển khu vực Oleg Govorun và Bộ trưởng Lao động Maksim Topilin vì không hoàn thành sắc lệnh do ông ký ngày 7/5 ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ ba.

Ông Putin khẳng định mọi bộ trưởng đều phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả thực hiện chức năng và trọng trách của mình. Ông cảnh báo tất cả các thành viên Chính phủ Nga rằng bản thân ông sẽ trực tiếp theo dõi sát sao công việc của họ sau khi đã trực tiếp nói chuyện riêng với từng người, đồng thời cho biết ông không hài lòng trước tình trạng một loạt bộ trưởng không hoàn thành các sắc lệnh của ông.

Tổng thống Putin nêu rõ đa số dân chúng Nga đang theo dõi sát sao tình hình đất nước và chờ đợi các bộ trưởng thực hiện những sắc lệnh do tổng thống ký ngày 7/5. Ông nhắc lại những sắc lệnh này liên quan đến việc phát triển Siberia và vùng Viễn Đông, bảo hiểm xã hội, tạo việc làm và cải thiện điều kiện sống, trước hết cho những gia đình Nga có ba con trở lên./.
(Vietnam+)
-----------------------


Bầu cử Tổng thống Mỹ: Romney tiếp tục bị "vạ miệng"

47% số cử tri ủng hộ ông Obama không chịu trả thuế thu nhập và “công việc của tôi là không phải bận tâm đến những kẻ đó.”

Reuters ngày 18/9 đưa tin, sau khi bị chỉ trích vì đã chế giễu 47% cử tri Mỹ trong một cuốn băng, ngày hôm qua ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney lại gặp thêm rắc rối khi những hình ảnh mới cho thấy ông cáo buộc người Palestine không muốn hòa bình.

Mitt Romney: "Người Palestine không muốn hòa bình"

Đoạn băng này được ghi hình trong một buổi lễ quyên góp tranh cử hồi tháng 5 đã khiến cho ông Romney càng bị bỏ lại xa hơn trong chiến dịch tranh cử của mình và khiến dư luận đặt câu hỏi liệu ông có thể lội ngược dòng trong cuộc bầu cử và trở thành ông chủ Nhà Trắng vào tháng 11 tới.

Trong đoạn băng được đăng trên tạp chí Mother Jones này, ông Romney nói rằng: “Tôi thấy người Palestine không hề muốn hòa bình chút nào, vì những mục đích chính trị, họ cứ khăng khăng hủy diệt và loại trừ Israel, và với những vấn đề gai góc này tôi cho là không có phương cách nào cả.”

Romey đang phải chịu chỉ trích sau khi một đoạn băng được tung ra hôm thứ Hai cho thấy ông mô tả 47% người ủng hộ Tổng thống Barack Obama là những nạn nhân quá phụ thuộc vào chính phủ và không dám chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống của mình.

Ông cũng nói rằng 47% số cử tri ủng hộ ông Obama không chịu trả thuế thu nhập và “công việc của tôi là không phải bận tâm đến những kẻ đó.”

Hôm thứ Hai ông Romney đã tổ chức một buổi họp báo ở California để tìm cách khắc phục thiệt hại do “vạ miệng” này gây ra, nhưng ông vẫn không chịu rút lại những lời bình luận về những người ủng hộ ông Obama, khiến ông phải hứng chịu những lời chỉ trích mạnh mẽ từ phía Obama và ngay cả từ các đồng minh của đảng Cộng hòa.

Bảo Thành (Nguồn: Reuters, GDVN)
---------------------------------------

Thái Lan: Chính phủ và đảng đối lập bàn bình ổn cực Nam

Chiều 18/9, lần đầu tiên chính phủ Thái Lan và lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập đã cùng ngồi với nhau để bàn về các biện pháp bình ổn khu vực cực Nam Thái Lan.

Trước việc đảng Dân chủ có nhiều chỉ trích chính phủ trong việc giải quyết tình hình cực Nam, Thủ tướng Thái Lan - Yingluck Shinawatra đã đề xuất đảng Dân chủ cùng chung nhóm họp và bất ngờ nhận được sự đồng ý của Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva.

 Sau cuộc họp chung hơn 4 tiếng, Thủ tướng Yingluck cho biết, phần lớn các đề nghị của đảng đối lập gần tương tự với các biện pháp chính phủ đang tiến hành. Còn các đề nghị của đảng đối lập trong việc tăng cường việc đảm bảo an toàn xã hội, ngăn chặn các âm mưu gây bạo loạn, phát triển cơ sở xã hội địa phương đã được chính phủ ghi nhận và sẽ chỉ thị các cơ quan hữu quan tiến hành.

Phía Chủ tịch đảng Dân chủ ông Abhisit cho rằng, giải quyết tình hình cực Nam cần phải tiến hành liên tục và đặc biệt chú trọng vào công tác tuyên truyền, xây dựng lòng tin đối với người dân địa phương.

Tình hình bất ổn tại cực Nam Thái Lan đã kéo dài, qua nhiều chính phủ khác nhau tại Thái Lan nhưng vẫn chưa xử lý được dứt điểm. Các nhóm chống chính phủ đã gây ra cái chết và bị thương của hàng chục ngàn người tại đây trong 8 năm qua./.

Xuân Sơn/VOV Bangkok
-------------------------------

Báo cáo quân sự Mỹ: Chiến tranh với I-ran sẽ kích động cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông

 Một báo cáo quân sự nghiên cứu về hậu quả của việc triển khai quân sự nhằm vào I-ran do 30 nhà cựu ngoại giao, các đô đốc và tướng lĩnh đã nghỉ hưu của Mỹ soạn thảo mới được công bố   cho biết, Mỹ chỉ có thể phát động một cuộc chiến lớn hơn cả I-rắc và Áp-ga-ni-xtan gộp lại mới có thể ngăn cản I-ran theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.

Trong báo cáo, Trung tướng đã nghỉ hưu Phranh Kia-ni (Frank Kearney) cho rằng, việc triển khai hành động quân sự chống lại I-ran có thể dẫn đến những hậu quả vượt ngoài mục tiêu ngăn cản chương trình hạt nhân của I-ran. Một cuộc tấn công quân sự của Mỹ sẽ làm tổn hại tới vị thế chính trị của chính phủ Mỹ hiện nay. Trong khi đó, I-ran gần như chắc chắn sẽ đáp trả một cách trực tiếp dẫn tới nguy cơ kích động một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông. Ông Phranh nhận định, các cuộc không kích của Mỹ có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân và lực lượng quân sự của I-ran, song nó chỉ có thể trì hoãn chứ không thể chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này.

Đánh giá về các chi phí và lợi ích của cuộc tấn công, báo cáo cho rằng các mục tiêu hạt nhân của I-ran chỉ có thể bị tiêu diệt khi Mỹ tiến hành một cuộc chiến với quy mô bằng cả Áp-ga-ni-xtan và I-rắc gộp lại. Theo các phương pháp tính toán khác nhau, tổng chi phí của Mỹ cho hai cuộc chiến này vào khoảng từ 1.900-2.400 tỷ USD, nếu tính cả lãi suất phải trả cho những khoản tiền vay chi cho chiến tranh.

 Báo cáo cũng cảnh báo rằng một cuộc tấn công nhằm vào I-ran sẽ củng cố quan điểm của người dân Trung Đông về việc xem Mỹ như một quốc gia chống Hồi giáo, đồng thời kích động thêm các cuộc tấn công bạo động nhằm vào Mỹ.

Ngọc Minh // QĐND
-----------------------

Lương Quang Liệt: Tất cả chỉ tại Nhật Bản!

Lương Quang Liệt tuyên bố: “Tình hình leo thang căng thẳng hiện nay hoàn toàn là do phía Nhật Bản gây ra.”

AFP ngày 18/9 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố rằng Trung Quốc có quyền hành động để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, đồng thời lại lên tiếng rằng ông hy vọng tranh chấp này sẽ được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.

Trong một buổi họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, ông Lương Quang Liệt nói rằng Bắc Kinh đang theo dõi sát sao tình hình trên biển Hoa Đông và “bảo lưu quyền hành động tiếp theo”.


Khi được hỏi liệu Trung Quốc có sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng này hay không, ông Lương Quang Liệt trả lời rằng: “Tất nhiên phải nói rằng chúng tôi vẫn hy vọng vào một giải pháp hòa bình thông qua thương lượng cho vấn đề này.”

Ông Lương Quang Liệt đổ lỗi cho Tokyo đã làm gia tăng căng thẳng và tuyên bố nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đã thuộc về Trung Quốc từ triều nhà Thanh cách đây nhiều thế kỷ. Lương Quang Liệt tuyên bố: “Tình hình leo thang căng thẳng hiện nay hoàn toàn là do phía Nhật Bản gây ra.”

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng đã tuyên bố rằng Nhật Bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những thiệt hại mà các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc phải hứng chịu do người biểu tình quá khích gây ra.

Ông Panetta đã kêu gọi cả hai bên bình tĩnh và kiềm chế vì “không ai được lợi nếu tình hình leo thang thành một cuộc xung đột và hủy hoại hòa bình, ổn định trong khu vực vô cùng quan trọng này”.

Bảo Thành (Nguồn: Straits Times, GDVN)
--------------------------------

Trung Quốc cho đăng ký doanh nghiệp trái phép ở cái gọi là “Thành phố Tam Sa”

Tân Hoa xã đưa tin ngày 18/9, Sở Công thương tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã phê duyệt cho hai doanh nghiệp đăng ký thành lập tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, kể từ khi nó được thành lập đến nay. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và bất chấp dư luận quốc tế của Trung Quốc.

Trung Quốc xây dựng cơ sở trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Hai công ty nói trên có tên là Công ty TNHH Công trình xây dựng Tam Sa Hải Nam và Công ty TNHH Đầu tư du lịch hàng hải Tam Sa.

Trước đó, ngày 13/7, Trung Quốc đã ngang nhiên cấp giấy phép kinh doanh cá thể trái phép cho 22 hộ ngư dân đang cư trú bất hợp pháp tại đảo Phú Lâm (phía Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng), thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đây là một trong các bước đi ráo riết mà Trung Quốc đang tiến hành nhằm hiện thực hóa cái gọi là "thành phố Tam Sa" thuộc tỉnh Hải Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và bãi Macclesfield (mà họ gọi là Trung Sa).

Trong động thái mới đây, nhằm thúc đẩy bao phủ hiệu quả mạng lưới thông tin tại các đảo và vùng biển thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa," Cục Quản lý Thông tin tỉnh Hải Nam đang tiến hành xây dựng dự thảo "Quy hoạch các hạng mục xây dựng mạng thông tin thành phố Tam Sa." Theo đó, tỉnh Hải Nam sẽ xây mới 51 trạm thông tin tại các đảo, 104 trạm trên các tàu và 8 tuyến cáp quang vượt biển.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.

Linh Phương (Theo THX, Petrotimes)
---------------------------------

Mỹ thúc giục Trung Quốc hợp tác quân sự để tránh đối đầu

Hôm 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã thúc giục Trung Quốc hợp tác quân sự gần gũi hơn nhằm tránh nguy cơ đối đầu giữa hai nước.

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, ông Panetta đã nói rằng Washington và Bắc Kinh nên tăng cường các mối liên hệ quân sự để tránh những hiểu lầm có thể dẫn đến sự đối đầu giữa hai nước.

Mở đầu cuộc nói chuyện, ông Panetta đã phát biểu: "Mục tiêu của chúng tôi là Mỹ và Trung Quốc sẽ thiết lập mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới; và chìa khóa để làm được như vậy là thiết lập mối quan hệ quốc phòng vững mạnh”.
Mỹ thúc giục Trung Quốc hợp tác quân sự để tránh đối đầu

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu trong buổi họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Bắc Kinh hôm 18/9.

Chuyến đi của ông Panetta đến Bắc Kinh trùng với thời điểm căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông đang lên rất cao.

Trong nội dung phát biểu ban đầu có sự tham gia của báo giới, ông Panetta không hề đề cập tới tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có những điểm chung về các vấn đề trong khu vực.

Ông cho biết: "Trung Quốc là một cường quốc của Thái Bình Dương và Mỹ cũng vậy, chúng ta có những mối quan tâm chung trong khu vực. Những mối quan tâm này liên quan đến khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân, cứu trợ nhân đạo, buôn bán ma túy, gìn giữ hòa bình và nhiều vấn đề khác".

Tuy nhiên, trước đó (17/9) tại Tokyo, ông Panetta đã bày tỏ lo ngại về những căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Tokyo, và kêu gọi cả hai bên bình tĩnh và kiềm chế.

Hôm 17/9, chính phủ Nhật Bản thông báo Tokyo và Washington đã nhất trí rằng quần đảo đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông sẽ nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Ông Panetta khẳng định mặc dù chính phủ Mỹ sẽ thực hiện những nghĩa vụ theo hiệp ước an ninh với Nhật nhưng sẽ không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đáp lại hôm 17/9: “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ thực sự tuân thủ nguyên tắc không đứng về phe nào trong vấn đề chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư”.

Phạm Khánh// InfoNet
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Thiết kế web Phát triển Portal

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal  chuẩn SEO, chất lượng cao

Nhanh chóng quảng bá, triển khai kinh doanh hiệu quả trên môi trường trực tuyến

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958