Mỹ thay đổi chiến thuật đánh IS; Cựu cố vấn ông Trump được phía Nga xem là 'đồng minh'; Vùng trời Hoa Đông nổi gió; Trung Quốc chưa hết "giận" thủ tướng Singapore?
Philippines đối thoại song phương thế nào với Trung Quốc?
- Cập nhật : 20/05/2017
Từ vị thế của người chiến thắng sau phán quyết về Biển Đông của Tòa The Hague vào giữa năm ngoái, Philippines đã tự biến mình thành “dưới cơ” khi đồng ý đối thoại song phương với Trung Quốc về các tranh chấp trên biển.
Trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) các nước ASEAN và Trung Quốc tại cuộc họp triển khai DOC lần thứ 14 tại Quý Dương, Trung Quốc ngày 18-5 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam
Ngày 19-5, đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santa Romana đã dẫn đầu đoàn đại biểu Philippines tham dự cuộc đối thoại song phương đầu tiên giữa Trung Quốc và Philippines về tranh chấp trên Biển Đông. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc.
Hai bên đã trao đổi quan điểm về “tầm quan trọng của việc giải quyết các mối quan ngại chung, những sự cố và tranh chấp trên Biển Đông” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo vắn tắt sau cuộc gặp.
Cuộc đối thoại diễn ra chỉ một ngày sau khi ASEAN và Trung Quốc kết thúc vòng tham vấn thứ 14 về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Quý Dương, nơi vừa diễn ra cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN, được chọn làm nơi Bắc Kinh và Manila bàn chuyện riêng về Biển Đông.
Tiến sĩ Mathew Davies, trưởng khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Úc, nhận định động thái của Manila đã mở đường cho Bắc Kinh ngày càng lấn lướt: “Trung Quốc xem ra đang giành thế thượng phong trong các cuộc tranh luận, nguy cơ những quốc gia khác sẽ phải bám theo (các cuộc đối thoại song phương với Trung Quốc)”.
Từ vị thế của người chiến thắng sau phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài thường trực quốc tế The Hague vào giữa năm ngoái, Philippines đã tự biến mình trở thành “dưới cơ” khi đồng ý đối thoại song phương với Trung Quốc về các tranh chấp trên biển.
Tiến sĩ Davies cho rằng thậm chí chính quyền Manila còn có phần “làm khó” cho nỗ lực hướng tới giải pháp mang tính đa phương trong tranh chấp Biển Đông, gây ảnh hưởng đến vị thế của các bên còn lại trong tranh chấp.
Hành động của Philippines một lần nữa cũng cho thấy khả năng kiểm soát của Trung Quốc ở ASEAN trong các chương trình nghị sự liên quan tới Biển Đông, giới phân tích nhận định.
Liên quan đến tiến trình đàm phán COC, hôm 18-5 Trung Quốc và ASEAN tuyên bố đã đạt được sự nhất trí về dự thảo khung COC sau cuộc họp quan chức cấp cao cùng ngày.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết cuộc họp diễn ra trong không khí cởi mở và thẳng thắn; các nước đóng góp tích cực và mang tính xây dựng, khẳng định tiếp tục tăng cường đối thoại và tham vấn để thúc đẩy tiến trình DOC/COC nhằm duy trì đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định trong khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.
Kết quả của cuộc họp sẽ được trình lên Hội nghị ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Philippines vào tháng 8.
DUY LINH
Theo Tuổi Trẻ