Theo giáo sư Mỹ Taylor Fravel, có nguy cơ thực sự về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực chống Nhật Bản, liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tranh chấp đảo Senkaku: Ngoại giao đã hết, TQ ám chỉ sử dụng vũ lực
- Cập nhật : 12/10/2016
Đó là nhận định của một tờ báo Nga cho tình hình tranh chấp đảo Senkaku hết sức căng thẳng giữa Trung-Nhật hiện nay được báo chí TQ trích dẫn với dụ ý tuyên truyền có lợi cho TQ.
Biên đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. |
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc cho rằng, Chính phủ Nhật Bản muốn “ép” Mỹ trở thành “người cứu mạng” cho họ. Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, ông Kenichiro Sasae đã tiết lộ với báo giới rằng, vào tháng 9 năm nay, khi Nhật Bản thông báo trước cho phía Mỹ về việc mua đảo Senkaku, “Mỹ đã không đưa ra bất cứ sự phản đối nào”, vì vậy “Mỹ không thể giữ lập trường trung lập trong vấn đề đảo Senkaku”.
Ngày 1/11, quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ, Nhật Bản hủy bỏ cuộc diễn tập đoạt đảo liên hợp Mỹ-Nhật vốn dự định tiến hành vào ngày 5/11/2012, tránh "chọc giận" thêm Trung Quốc, nhưng Mỹ đã bày tỏ không hài lòng với vấn đề này.
Nhật Bản liên tiếp gây sức ép với Mỹ thông qua tiết lộ những những thông tin hậu trường, phản ánh rõ sức ép to lớn mà Nhật Bản phải chịu đựng do xung đột đảo Senkaku.
Ngày 1/11, tàu hải giám Trung Quốc đã tiếp tục xuất hiện ở vùng biển lân cận đảo Senkaku ngày thứ 13 liên tục và đã sử dụng vô tuyến điện để "đòi" các tàu của Nhật Bản phải rời đi.
Ngày 30/10, tàu hải giám Trung Quốc đã xua đuổi tàu Nhật ở vùng biển đảo Senkaku, được báo Trung Quốc cho rằng, điều này đã đánh dấu “bước ngoặt của tình hình đảo Senkaku”, trong khi đó tỷ lệ ủng hộ đối với chính quyền Noda không tăng lên nhờ “mua đảo” theo dự kiến, mà ngược lại đã giảm xuống còn 20%.
Gần đây, khi thị sát Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda nhấn mạnh: Phải chuẩn bị tốt cho chiến tranh. |
Ngày 31/10, khi đáp lại lời của ông Kenichiro Sasae, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định, lập trường của Mỹ “hoàn toàn không thay đổi”.
Trong khi đó, ngày 1/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản có ý đồ lôi kéo nước khác đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku, đây là việc làm “phí công vô ích”.
Theo một học giả người Hoa ở Nhật Bản có tên là Canh Hân, thì lời phát biểu của Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ là đại diện cho Chính phủ Nhật Bản. Nhật Bản đã công khai “vu cáo” Mỹ, cho thấy họ đã sốt ruột.
Quan chức cấp cao Nhật Bản gây khó dễ cho Mỹ
Ngày 31/10, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tanner nói: “Tôi không biết làm thế nào mới có thể nói rõ hơn. Mỹ không có lập trường cụ thể về chủ quyền cuối cùng của đảo Senkaku”. Đài VOA Mỹ cho biết, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi yêu cầu Tanner phản ứng lại lời phát biểu của Đại sứ Nhật Bản Kenichiro Sasae.
Ngày 31/10, tờ “Asahi Shimbun” Nhật Bản cũng đã dẫn lời của Đại sứ Kenichiro Sasae cho rằng: “Chính phủ Mỹ đã tuyên bố, đảo Senkaku thuộc Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Nếu xuất hiện tình hình sử dụng vũ lực hoặc khiêu khích, (Mỹ) sẽ có phản ứng mạnh mẽ, lập trường của họ không thể trung lập”.
Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, ông Kenichiro Sasae vừa có bài phát biểu thu hút sự chú ý của dư luận |
Kenichiro Sasae còn cho biết, khi Chính phủ Nhật Bản thông báo với Mỹ rằng họ muốn mua đảo Senkaku từ tay tư nhân, “Mỹ không đưa ra bất cứ sự phản đối nào. “Lập trường của Mỹ là” - đây là việc do Nhật Bản tự quyết định”.
Theo BBC, thông điệp quan trọng nhất của Đại sứ Kenichiro Sasae là: Mỹ không phản đối Nhật Bản mua đảo Senkaku.
Ngày 31/10, trang mạng “Bưu điện Washington” Mỹ cho rằng, các quan chức Nhật Bản và Trung Quốc đang ngày càng nhấn mạnh nhiều đến vai trò của Mỹ trong tranh chấp đảo Senkaku. Tân đại sứ Nhật Bản tại Mỹ cho rằng “nếu đảo Senkaku xảy ra trường hợp sử dụng vũ lực hoặc khiêu khích, (Mỹ) sẽ có phản ứng mạnh mẽ, không thể duy trì trung lập” , trong khi đó gần đây tàu thuyền Trung Quốc đã trở nên ngày càng hung hăng ở khu vực lân cận đảo tranh chấp, cho nên Nhật Bản có thể tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn của Mỹ để răn đe.
Cùng ngày, quỹ Heritage Foundation Mỹ cũng có bài viết cho rằng, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trần Kiện công khai chỉ trích Mỹ đã kích động khủng hoảng, cho rằng: “Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp mà không để xảy ra chiến tranh, là phù hợp với lợi ích của Mỹ”.
Bài báo cho rằng, theo lời của ông Trần Kiện thì Bắc Kinh coi Mỹ chứ không phải Nhật Bản là nhân tố chủ yếu của cuộc khủng hoảng đảo Senkaku, cho thấy Trung Quốc đang thử thách quyết tâm của Mỹ và giới hạn cam kết an ninh đối với Nhật Bản.
Tờ “Bưu điện Washington” cho rằng, Nhật Bản và Trung Quốc coi chủ trương lãnh thổ của mình là việc có liên quan đến lòng tự hào của quốc gia, thể hiện sự vĩ đại của mỗi nước.
Biên đội tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Daniel Blumenthal, học giả Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ đã có bài viết trên tạp chí “Chính sách Ngoại giao” cho rằng, tranh chấp đảo Nhật-Trung là vấn đề có tính bùng phát nhất ở châu Á, có thể là thử thách quan trọng nhất ở châu Á của Mỹ vào năm tới.
Ông cho rằng, khi Trung Quốc đang thách thức trật tự đã có ở khu vực, Mỹ chắc chắn dẫn đầu bảo vệ trật tự này. Tức là, Mỹ sẽ đứng sau đồng minh.
Theo Daniel Blumenthal, Nhật Bản khác với Việt Nam và Philippines, là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, trong khi đó, Nhật Bản hiện đang cảm thấy bị uy hiếp, không thể hiểu được tại sao Washington vẫn giữ thái độ trung lập trong vấn đề chủ quyền này.
Ngày 1/11, phó viện trưởng Viện nghiên cứu JCC Nhật Bản Canh Hân cho rằng: “Lời nói của Kenichiro Sasae là đại diện cho Chính phủ Nhật Bản, ông công bố chi tiết thương thảo với Mỹ về việc mua đảo. Tức là đang muốn nói với Mỹ rằng: Anh đừng giả bộ tốt với Trung Quốc, anh cũng không trong sạch”.
Canh Hân cho rằng, động thái của Kenichiro Sasae đã phản ánh sau khi mua đảo Senkaku, Chính phủ Nhật Bản rất cần Mỹ chia sẻ sức ép, muốn Mỹ gánh một phần trách nhiệm, đồng thời điều này cũng đã bộc lộ mâu thuẫn và sự không tin cậy giữa Nhật-Mỹ, Nhật Bản muốn khẩn cấp dựa vào Mỹ nhưng lại có cảm giác không tin cậy.
Theo Canh Hân, "Mỹ sẽ không vì phát biểu của Kenichiro Sasae mà thay đổi thái độ. Có thể Mỹ chỉ đặt lợi ích của bản thân chứ không phải của Nhật Bản lên vị trí hàng đầu".
Tàu sân bay trực thăng Hyuga của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Tuy nhiên, tờ “Jiji Press” Nhật Bản cho rằng, trong vấn đề đảo Senkaku, Mỹ sẽ không ngồi nhìn tình hình đi theo hướng gây bất lợi cho Mỹ.
Tờ “Sankei Shimbun” đặc biệt nhấn mạnh, đồng minh Nhật-Mỹ cần có nhiều lòng tin hơn. Bài báo cho rằng, để nghiên cứu kế sách tăng cường đồng minh Mỹ-Nhật, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản tới đây sẽ thành lập một “Văn phòng điều hành” liên quan đến ngoại giao trực thuộc Chủ tịch Đảng.
Còn tờ “Asahi Shimbun” thì cho rằng, trong vấn đề đảo Senkaku, Mỹ không muốn chọn giận Trung Quốc, nhưng điều cần chú ý là, Mỹ hoàn toàn không dự định từ bỏ các hành động ngăn chặn Trung Quốc.
Tờ “Bưu điện Washington” ngày 31/10 có bài viết thừa nhận: “Bộ Ngoại giao Mỹ nói không giữ lập trường, do Trung Quốc và Nhật Bản tự giải quyết, nhưng khi xảy ra xung đột quân sự do tranh chấp đảo, Hiệp ước Bảo đảm An ninh sẽ yêu cầu Mỹ đứng về phía Nhật Bản”.
Bài báo cho rằng, lập trường chính thức của Mỹ đối với tranh chấp đảo Trung-Nhật hơi tự mâu thuẫn, trong khi đó Nhật Bản hầu như không hài lòng với thái độ của Mỹ, đồng thời cũng không cho rằng Mỹ trung lập thực sự.
Ngày 1/11, đài truyền hình Fuji Nhật Bản dẫn lời Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell bày tỏ “khó hiểu” với việc Nhật Bản chủ trương hủy bỏ cuộc diễn tập quân sự đoạt đảo bắt đầu từ ngày 5/11.
Tàu sân bay Mỹ diễn tập ở vùng biển Nhật Bản |
Trung Quốc hay Nhật Bản mất đi trước tính nhẫn nại?
Về việc tàu công vụ như tàu hải giám của Trung Quốc liên tục xuất hiện ở vùng biển lân cận đảo Senkaku, tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho rằng, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông qua vô tuyến điện đã cảnh báo tàu thuyền Trung Quốc không nên tiếp cận lãnh hải Nhật Bản, trong khi đó 2 tàu hải giám Trung Quốc cũng sử dụng vô tuyến điện yêu cầu tàu thuyền Nhật Bản rời khỏi vùng biển “do Trung Quốc quản lý”.
Theo bài báo, các hành động của tàu hải giám Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp Hoa Đông “ngày càng mang tính tấn công” và định xua đuổi tàu Nhật Bản. Phía Nhật Bản duy trì “cảnh giới” cao độ, “chuẩn bị ứng phó với bất cứ hành động mang tính xâm lược nào của phía Trung Quốc”.
Trên trang mạng “Nhật Bản ngày nay”, có dân mạng viết rằng, Trung Quốc đang sử dụng sách lược để Nhật Bản nhượng bộ, như vậy có thể phát động tấn công, dùng vũ lực thu hồi các đảo.
Tờ “Liên hợp báo” Đài Loan ngày 1/11 bình luận, vùng biển đảo Senkaku trong 40 năm qua đã lần đầu tiên xuất hiện sự kiện “tàu Trung Quốc xua đuổi tàu Nhật Bản”, điều đáng xem xét là, các thông tin từ Trung Quốc cho rằng đã “thực hiện biện pháp xua đuổi đối với tàu Nhật Bản”, nhưng không nói rõ có “xua đuổi thành công” hay không. Trong khi đó, thông tin chính quyền của Nhật Bản cũng đưa tin chốc lát, và không nói là đã “bị xua đuổi”, nhưng cho dù thế nào, đây là “bước ngoặt” của tình hình đảo Senkaku.
Trung Quốc và Nhật Bản: Ai giỏi chịu đựng hơn ai? Mèo nào cắn mỉu nào? |
Theo báo Đài Loan, Bắc Kinh đã từ tuần tra mang tính thăm dò, tiến lên cấp độ, cường độ cao hơn là “tiến hành xua đuổi”, buộc Nhật Bản phải “nhìn thẳng vào thực tế, thừa nhận tranh chấp, sửa chữa sai lầm”.
Tờ “Nhật báo Đông Á” Hàn Quốc ngày 1/11 viết, Trung Quốc và Nhật Bản đã bước vào cục diện mới xoay quanh tranh chấp đảo Senkaku. Hãng Yonhap cho rằng, loại máy bay tàng hình thứ hai J-31 bay thử thành công, có chuyên gia cho rằng, điều này khích lệ lòng tự hào ở Trung Quốc trước Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản nước này, đồng thời đưa ra thông điệp cảnh báo Nhật Bản, nước có tranh chấp đảo đá với Trung Quốc.
Tờ “Chân lý” Nga có bài viết mang tên “Trung Quốc và Nhật Bản: Ai sẽ mất kiên nhẫn trước?” cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng hành động tích cực để tìm cách giành quyền kiểm soát đối với đảo Senkaku. Tàu Hải giám Trung Quốc không chỉ đã tiến hành tuần tra mang tính thường xuyên đối với đảo Senkaku, mà còn lần đầu tiên đã có hành động chủ động xua đuổi tàu thuyền Nhật Bản ở vùng biển này.
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay thủ đoạn ngoại giao của hai bên đã hết, Trung Quốc đã ám chỉ rằng có thể sử dụng vũ lực. Bài viết cho rằng, do tranh chấp đảo Senkaku kéo dài không có phương án quân sự, ngoại giao để giải quyết, một khi xảy ra xung đột cường độ thấp, thì nó sẽ kéo rất dài.
Lực lượng tinh nhuệ WAIR của Nhật Bản tích cực tích cực học tập kinh nghiệm tác chiến đoạt đảo từ quân Mỹ |
Trang mạng ZAKZAK trực thuộc của tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho rằng, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự ở đảo Senkaku giữa Trung-Nhật đang gia tăng, lực lượng tinh nhuệ WAIR của Nhật Bản đang làm công tác sẵn sàng chiến đấu ở đảo Senkaku nhờ vào việc tham gia huấn luyện với quân Mỹ.
Nếu tình hình tranh chấp bị phức tạp hóa, lực lượng đặc nhiệm của Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đều sẽ tới chiến trường.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, một cá nhân binh sĩ của lực lượng đặc nhiệm có thể có khả năng chiến đấu của 200 người. Được biết, Lực lượng Phòng vệ có 2 đội lực lượng đặc nhiệm:
Một đội là “cụm tác chiến đặc biệt” của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, có khoảng 300 đội viên, trong đó có 200 người là nhân viên chiến đấu quan trọng, là những người tài giỏi được sàng lọc nghiêm ngặt từ 154.000 quân của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, họ đều được trang bị kính nhìn đêm, có thể khẩn cấp nhảy dù từ cánh máy bay cố định ở độ cao 3.000-5.000 m, sử dụng súng giảm thanh để tấn công địch.
Một đội khác là 70 thành viên của đơn vị cảnh giới đặc biệt trên biển. Nếu nhận được lệnh đoạt lại đảo Senkaku, họ có thể ngồi tàu cơ động đặc biệt với vận tốc 60 km/h để tiếp cận hòn đảo, làm cho đối phương không thể phát hiện được, họ bất ngờ tập kích Quân đội Trung Quốc trên bờ.
Như vậy, Trung Quốc đang có thái độ và các hành động mạnh bạo hơn trong tranh chấp đảo Senkaku, nhưng lại được Canh Hân lý giải rằng, đó chỉ là hành động đáp trả sau khi Nhật Bản phá vỡ “thỏa thuận ngầm” trong tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku giữa hai nước. Việc Trung Quốc tiến hành tuần tra và xua đuổi tàu thuyền của Nhật Bản là “không có dụng ý xấu” (!?).
Lực lượng xương sống phòng vệ đảo WAIR của Nhật Bản |
Ngày 29/10, khi phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda nhận định: “Môi trường an ninh xung quanh của Nhật Bản đã nghiêm trọng hơn bất cứ lúc nào so với trước đây”. “Theo quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, kiên quyết thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của đất nước, tuyệt đối không lùi bước”.
Ngày 1/11, tờ “Jiji Press” cho biết, tại hội nghị Á-Ấu trong tháng này, Thủ tướng Nhật Bản Noda có bài phát biểu với chủ đề “Tôn trọng luật pháp quốc tế” trước mấy chục quốc gia. Bài báo cho biết, ở đây Noda muốn nhằm vào Trung Quốc và Hàn Quốc, tiếp tục hành động để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề như đảo Senkaku. Ngày 1/11, đài truyền thanh quốc tế Pháp cho rằng, đảo Senkaku sẽ là một chủ đề khó né tránh tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu lần này.
Ngày 1/11, tờ “Nihon Keizai Shimbun” cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu là thời cơ lớn và tốt để Nhật Bản khôi phục quan hệ với láng giềng. Tờ Sankei Shimbun cho biết, đặc phái viên vấn đề đảo Senkaku của Tokyo là Yoshihiko Yamada ngày 31/10 tuyên bố, trên đảo Senkaku có thể cư trú, cần xây dựng cứ điểm trên đảo, một “mảnh đá” cũng không thể bị cướp đi.
Đại quân khu Nam Kinh diễn tập đột kích đảo |
Nhật Bản được cho là có lực lượng hải quân mạnh nhất khu vực |